Monday, September 26, 2022

Bài 6: Sự sống và sự chết

Một sự thật rõ ràng nhất trong cuộc đời này mà ai cũng nhìn thấy được đó là: Sự sống và sự chết. Tôi dùng cụm từ “sự chết” để nhấn mạnh tầm quan trọng ngang hàng với “sự sống”, hay vì cách gọi thông thường là “cái chết”. Sự chết là nơi sự sống kết thúc. Và cuộc sống của một người chính là hành trình bắt đầu từ sự sống được hình thành trong bụng mẹ và kết thúc ở sự chết. Sự chết có nhiều hình thức khác nhau, có người chết vì bệnh, vì tai nạn, vì già, vì cô đơn… Nhưng ý nghĩa tối hậu nhất con người cần nhìn thấy đó chính là phải có một sự chết đẹp đẽ và nhẹ nhàng. Không ai muốn những ngày cuối đời của mình chìm ngập trong đau đớn, khổ sở không chỉ ở bản thân mình mà còn tạo ra đau đớn, khổ sở cho những người  xung quanh.

Một sự thật thứ 2 đó là: Cuộc sống luôn luôn thay đổi khó đoán định, và chúng ta không biết được sự sống của mình có thể kéo dài được bao lâu, nghĩa là sự chết khi nào sẽ đến. Nên mỗi phút giây ở hiện tại đều được xem là một bước chuẩn bị cho một sự chết đẹp đẽ và nhẹ nhàng. Vậy chúng ta sẽ làm gì ở hiện tại?

Trước khi trả lời câu hỏi đó, hãy làm rõ khi tôi nhắc tới cụm từ “sự chết đẹp đẽ và nhẹ nhàng” nghĩa là gì. Tâm thức của người tới gần cái chết cũng không khác người chuẩn bị mất tất cả những gì họ có, đó có thể là tài sản, người thân, sự lạc thú của bản thân. Người nào bám chấp, vướng bận càng nhiều thì khi tới gần khoảnh khắc biết mình sẽ mất tất cả, người đó sẽ là người càng đau khổ, càng dằng vặc, càng luyến tiếc. Ở khía cạnh thân thể, người càng yếu đuối thì những ngày cuối đời sẽ phải đối mặt với đau đớn, bệnh tật của thân, đau đớn này hạnh hạ bản thân cũng không thua kém nỗi đau trong tâm thức. Nhìn rộng ra, bên cạnh sự bám chấp của bạn với cuộc sống, thì sự bám chấp của người khác vào bạn cũng sẽ làm cho những con người đó đau khổ, mất mát khi thấy bạn tiến dần tới sự chết, điều này phần nào quay lại tạo thêm nhiều khổ đau cho bạn ở những ngày cuối đời. Hạn chế được những đau khổ nói chung ở trên chính là đạt được một sự chết đẹp đẽ và nhẹ nhàng. Và cuộc sống mỗi người nên hướng tới những điều có thể tạo nên một sự chết đẹp đẽ và nhẹ nhàng hơn.

Vậy chúng ta có 3 vấn đề cần quan tâm để hạn chế đau khổ ở: (1) Tâm thức, (2) Thân thể, (3) Những người trong cuộc đời bạn.  Nếu bạn chưa buôn bỏ được những bám chấp ở bản thân, nếu bạn chưa khoẻ mạnh để đón nhận một cái chết bình yên, nếu bạn chưa giúp những người xung quanh buồn bỏ được sự bám chấp vào bạn thì đừng nên nghĩ tới cái chết. Vì lúc đó lựa chọn cái chết là một lựa chọn tệ nhất trong cuộc đời. Điều này đồng nghĩa với, những điều làm cho sự bám chấp của bạn với những điều xung quanh càng lớn, những điều làm cho sức khoẻ của bạn suy yếu, và sự phụ thuộc bạn tạo ra cho người khác lên bạn càng nhiều thì một sự chết đau khổ là điều không thế tránh khỏi.

Chúng ta đã trao đổi về góc nhìn của những điều quan trọng để có được sự chết đẹp đẽ và nhẹ nhàng. Đó là điểm cuối của chuyến hành trình. Giờ hãy nhìn bắt đầu từ điểm xuất phát. Sự sống được hình thành và nó đã dạy chúng ta điều gì? Nếu trong các tôn giáo hay nói về việc tôn thờ những Đấng Sáng Tạo đã tạo ra loài người, và hình ảnh của họ được thêu dệt qua những câu chuyện được truyền lại nhiều thế hệ, nhiều tới mức không rõ bao nhiêu phần trong đó là đúng và thậm chí một Đấng Sáng Tạo như vậy có thực sự tồn tại hay không. Trước những điều đó, có một sự thật tôi nhận ra về những Đáng Sáng Tạo cụ thể, gần gửi và rõ ràng nhất của tôi đó chính là: Cha mẹ tôi. Nói rộng hơn là ông bà và những người đi trước đã tạo ra họ. Đây là một dòng chảy của sự sống. Họ là những người tiếp nối nhau và sau cùng tạo ra sự sống của bạn, để rồi theo một dòng chảy tự nhiên bạn sẽ có thể tạo ra các sự sống và sự tiếp nối theo sau nữa. Việc duy trì sự sống và duy trì dòng chảy của sự sống là một quy luật của tự nhiên.

Sự sống sơ khai nhất có thể quan sát dễ dàng nhất ở những đứa trẻ trước khi đến trường, đây là giai đoạn chúng ở trong môi trường nguyên sơ nhất và bộc lộ những khuynh hướng sống thuần khiết nhất trước khi chúng bắt đầu đến trường và học hỏi dần những nguyên tắc bầy đàn của số đông. Một đứa trẻ chỉ cần những điều căng bản nhất cho sự sống: Ăn uống ngủ nghĩ đủ và tình yêu thương từ cha mẹ. Đứa trẻ không bận tâm phải ăn ngon, phải mặt đẹp, phải được nể trọng, phải được nỗi tiếng. Từ những điều căng bản nhất, đứa trẻ bắt đầu một chuyến hành trình khám phá thế giới dưới một con mắt ngây ngô và luôn nhìn mọi thứ mới mẽ. Chúng luôn quan sát, lắng nghe và đặt những câu hỏi về thế giới xung quanh với sự tò mò, hiếu kỳ, ham thích. Chúng muốn thấy sự thật.

Như vậy cuộc sống sơ khai nhất đã cho chúng ta thấy 3 khuynh hướng cơ bản nhất của sự sống: (1) Tiêu thụ những thứ cơ bản nhất cho sự sống, (2) tình yêu thương, (3) khát khao học hỏi để thấy được sự thật. Bỏ qua những điều này ở mức căng bản nhất là bạn đã đi lệch khuynh hướng tự nhiên của sự sống. Hoặc để các yếu tố này vượt quá mức cũng sẽ cuốn bạn ra xa dần sự sống, hãy tưởng tượng hậu quả của việc ăn quá mức, yêu thương dại khờ, và học nhồi nhét mọi thứ kiến thức.













Monday, September 12, 2022

Bài 4: Chúng ta được gì và mất gì từ xã hội?

Tiếp nối từ góc nhìn của tháp nhu cầu Maslow, rõ ràng các nhu cầu cao cấp hơn như “thể hiện bản thân”, “được tôn trọng”, “kết nối quan hệ” là những yếu tố chính sản sinh ra những nhu cầu vượt ngoài các nhu cầu cơ bản của một con người như ăn uống, ngủ nghỉ và an toàn. Chính những nhu cầu cao cấp này đã tạo ra một con người văn minh, nhưng chính nó cũng khiến chúng ta bị cuốn vào guồng quay của nền văn minh và đánh mất dần những giá trị cốt lõi, những điều ý nghĩa nhất trong cuộc sống, hoặc thậm chí là làm tổn hại lại bản thân và nói rộng hơn là cả môi trường thiên nhiên xung quanh. Ở phần này chúng ta sẽ cùng đánh giá tầm quan trọng của những nhu cầu cao cấp này và xem giới hạn của nó nên ở đâu là phù hợp để chúng ta có thể thiết kế nên một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Để ý là 3 nhu cầu cao cấp nói trên đều bắt nguồn từ việc tạo ra lợi thế cho một cá nhân trong cuộc sống (lợi thế này có thể là một thực tế khách quan hoặc ít nhất chỉ do cá nhân đó nghĩ như vậy, cá nhân này có thể nghĩ đúng hoặc sai tuỳ vào hiểu biết của mỗi người). Việc bạn có xu hướng làm những điều mà bạn cho là tốt với bản thân dường như là một lý lẻ không thể chối cải. Bạn kết nối nhiều bạn bè sẽ tạo sự vui thú khi gặp gỡ, sẽ tạo ra những mối quan hệ bạn có thể nhờ vã, trao đổi về sau này, bạn được sự tôn trọng từ người khác thì tiếng nói của bạn có tác động lớn hơn, bạn sẽ nhận về lợi ích lớn hơn khi người khác nghe theo những gì bạn nói, bạn sẽ được nhiều người biết tới hơn và có khả năng bạn sẽ tác động số đông dễ dàng hơn nếu sự thể hiện về hình ảnh bản thân của bạn ra xung quanh lan toả mạnh mẽ. 

Nói rộng ra, xã hội loài người cũng sẽ trật tự hơn nếu mỗi chúng ta đi theo những nhu cầu này. Một xã hội cần có sự gắn kết giữa các thành viên chặc chẽ để khi có biến cố lớn như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh thì mọi người đều có lý do để hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Một xã hội, một tổ chức có những người được tôn trọng, thì chính những người này sẽ đưa ra quyết định cho nhóm một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn (nhưng chưa chắc tối ưu hơn) thay vì tất cả các thành viên đều được đưa ra quan điểm riêng rồi lại phải tốn rất nhiều thời gian để tranh luận và thậm chí dẫn đến chia rẻ vì xung đột (việc bầu cử cũng chỉ là việc hỏi ý kiến số đông về những quan điểm, lựa chọn đã được đưa ra trước đó bởi một nhóm nhỏ người có tác động lớn trong xã hội).

Lợi ích tạo ra các hành vi cần thiết cho một cá nhân hay cả một xã hội là không thể chối cãi. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, để thoả mãn những nhu cầu cao cấp này chúng ta phải: Luôn luôn để ý tới mong muốn, ý kiến, kỳ vọng của người khác và cố gắng làm hài lòng họ để đổi lại những thứ chúng ta cần như sự đón nhận, sự tôn trọng hay sự công nhận. Những chính trị gia, nghệ sỹ hay người nỗi tiếng nói chung đều phải đáp ứng điều này nếu họ muốn được công chúng đón nhận. Để ý là điều này hoàn toàn khác với việc bạn “quan tâm, lo lắng cho người khác”, việc bạn có tình thương, lòng trắc ẩn, sự đồng cảm đến từ sự tự chủ của bản thân. Nhưng những nhu cầu ở trên lại phụ thuộc vào việc người khác muốn bạn như thế nào, hoặc xã hội kỳ vọng bạn nên như thế nào để phù hợp với các chuẩn mực chung hơn là xuất phát từ bên trong bạn.

Vậy hạnh phúc sẽ đến khi bạn thực sự được sống với các thiên hướng của bản thân mình, những điều làm bạn thấy thoải mái hay khi bạn sống theo mong muốn và kỳ vọng của người khác? Liệu việc một người được hoàn toàn tự do làm những gì anh ta mong muốn có làm anh ta hạnh phúc nhất? Có lẽ kết luận rằng ngay tại thời điểm anh ta được tự do đưa ra quyết định và thực hiện hành động sẽ là thiên hướng làm anh ta cảm thấy thoải mái nhất (nếu không anh ta sẽ không làm). Nhưng câu hỏi quan trọng hơn đó là: Về lâu dài quyết định hay hành động mang tên “tự do” đó có tạo ra kết quả tốt khiến người đó hạnh phúc lâu dài không?

Hút thuốc ở thời điểm ban đầu là hoạt động để kết nối những người bạn có cùng thói quen này lại với nhau, việc hút thuốc sẽ thoải mãn nhu cầu kết nối, thậm chí cả nhu cầu thể hiện bản thân vì anh ta cho rằng việc hút thuốc sẽ tạo một hình ảnh trưởng thành, trải đời và thu hút hơn đối với người khác. Tuy nhiên về lầu dài khi thói quen đã ăn sâu vào hành vi thì sức khoẻ phải đánh đổi cho sự thoải mái tức thời là điều tất yếu. Kiếm tiền cũng là một động lực dẫn tới những hoạt động giúp tạo ra nguồn lực để thoải mãn khá nhiều nhu cầu cơ bản trong tháp Maslow. Kiếm được tiền rõ ràng mang lại một cảm giác thoã mãn, tuy nhiên việc thực hiện quá mức sẽ tạo ra những hệ luỵ về sức khoẻ, các mối quan hệ và sự câng bằng trong cuộc sống về lâu dài. Ở một góc nhìn khác, những ngươi trẻ muốn được thoải mái chơi game cùng bạn bè rõ ràng cũng mang lại niềm vui thú, nhưng về lầu dài chính việc chơi game quá nhiều lại chiếm phần lớn thời gian cần thiết để họ có thể tích luỹ đủ kỹ năng cần thiết cho tương lai.

Những ví dụ trên là minh chứng để thấy rằng: Việc hoàn toàn đi theo thiên hướng mong muốn của bản thân cũng không hẳng tạo ra hạnh phúc về lâu dài cho một người. Rõ ràng một cuộc sống hạnh phúc đúng nghĩa nên là sự kết hợp giữa những giai đoạn sống cho bản thân để đạt được hạnh phúc ở hiện tại cao nhất nhưng không phải đánh đổi quá lớn bởi hạnh phúc lâu dài, và những giai đoạn sống cho xã hội để tích luỹ nguồn lực từ người khác nhằm xây dựng nền tảng cho hạnh phúc lầu dài nhưng không phải đánh đổi quá lớn niềm vui trong hiện tại. Làm thế nào để cân đối hạnh phúc trong hiện tại và hạnh phúc dài hạn? Trong bài tiếp theo chúng ta sẽ trao đổi về vấn đề này nhé.

Bài 3: Muốn bao nhiêu là đủ?

Ở bài 2 trước đó, chúng ta đã trao đổi về 3 xu hướng nền tảng thúc đẩy nhu cầu mong muốn của con người ngày một nhiều hơn. Nếu bạn chợt nhận ra bản thân mình đang bị vướng vào vòng xoay khổng lồ này, thì đây chưa hẳng là lỗi của bạn. Khả năng cao đó lại là lỗi của sự tiến hoá, sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại nói chung. Dĩ nhiên, văn minh cũng có những mặt trái của nó mà đúng không!

Nhận ra điều đó là một điều tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có những chuẩn mực để chỉ ra: Mong muốn bao nhiêu là đủ? Lấy ví dụ đơn giản nhất như hoạt động hút thuốc, uống rượu bia đã được khoa học chứng minh rất rõ ràng càng ít càng tốt cho sức khoẻ, hay nói khác hơn những hoạt động này không làm gì hết là đủ (một số người đang hút thuốc hoặc uống rượu bia vẫn còn viện dẫn giá trị kết nối bạn bè, hoặc tốt cho tiêu hoá đối với rượu bia ở một chừng mực nhất định, lý lẻ này thiên về việc biện hộ cho hành vi hơn là đúng bản chất vì để đạt được 2 mục tiêu trên chúng ta hoàn toàn có những phương pháp khác hiệu quả hơn rất nhiều). 

Nhưng sẽ tương đối phức tạp hơn để trả lời ăn bao nhiêu là đủ vì dĩ nhiên “không ăn” là trường hợp cực đoạn tác động tiêu cực hơn tới sự tồn tại, còn “ăn quá mức” cũng tạo ra những căng bệnh về dạ dày và chứng béo phì về sau này. Vấn đề cũng tương tự ở trường hợp kiếm bao nhiêu tiền là đủ? Cập nhật thông tin nào, bao nhiêu thông tin là đủ? Có bao nhiêu bạn bè là đủ? Suy nghĩ bao nhiêu là đủ?

Rõ ràng câu hỏi đang dẫn chúng ta đi đúng hướng, nhưng việc trả lời cho ra lẻ lại cần một mức độ lượng hoá các nhu cầu trong cuộc sống cụ thể hơn. Và ngay cả có lượng hoá được những khái niệm trừu tượng như “lượng suy nghĩ” thì chúng ta vẫn vấp phải việc chia ra vô số ngữ cảnh cụ thể để đánh giá mức độ phù hợp riêng biệt. Học sinh thiểu học cần lượng suy nghĩ như thế nào so với một người về hưu? Và đi xa hơn, suy nghĩ đó nên là những suy nghĩ loại nào nữa sau khi đã xác định lượng suy nghĩ phù hợp cho lứa tuổi cụ thể? Phân tích như vậy để bạn thấy câu hỏi: “Bao nhiêu là đủ?” Là một câu hỏi chưa rõ nghĩa vì nó hầu như không thể có được một hoặc một số câu trả lời đúng được.

Nếu xét về lượng làm cho vấn đề trở nên phức tạp, vậy chúng ta hãy xét về chất. Nghĩa là thay vì hỏi “bao nhiêu là đủ?”, thì có thể thay thế bằng “Như thế nào là đủ?”. Chúng ta chỉ hướng tới những quy luật tổng thể nhất để ở từng trường hợp khác nhau mỗi chúng ta đều có thể trả lời được giới hạn mong muốn của mình nên ở đâu là tối ưu nhất. Hãy bắt đầu từ tháp nhu cầu nỗi tiếng của Maslow để nói về những nhu cầu căng bản của mỗi con người:

Ở trên là 5 nhóm nhu cầu cơ bản mà một con người cần có để phát triển tự thân, cũng như phát triển trong các mối quan hệ xã hội. 2 nhu cầu ở đáy tháp là nền tảng để con người tồn tại được, một người được ăn uống, ngủ nghỉ, bảo vệ an toàn thì hoàn toàn có thể tồn tại được, nhưng tình yêu thương, sự đồng cảm, lòng tôn trọng, lòng tự hào tự tôn lại phải đến từ những tầng cao hơn. Rõ ràng ăn ngon là nhu cầu sinh lý căn bản, nhưng ăn ở nơi sang trọng tốn kém lại mang nặng nhu cầu được kính trọng và thế hiện bản thân nhiều hơn. Kiếm tiền vừa đủ chỉ đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản như ăn uống, ngủ nghỉ, an toàn, nhưng kiếm tiền thật nhiều lại thoả mãn được nhu cầu mở rộng mối quan hệ, có được sự kính trọng và thế hiện sự tài giỏi của bản thân. Thói quen kết giao bạn bè rộng rãi cũng có thể nhìn theo hướng đấy.

Như vậy có lẻ những nhu cầu như “nhu cầu kết nối”, “nhu cầu được tôn trọng”, “nhu cầu thể hiện bản thân” là những nhu cầu làm cho con người vượt ra ngoài những nhu cầu cơ bản và đi ra ngoài mức độ cần thiết. Nói như vậy không có nghĩa là những nhu cầu cấp cao này không cần thiết trong cuộc sống, ngược lại, chính những nhu cầu này tạo cho con người chúng ta bản tính của loài người đúng nghĩa. Và chính bản tính xã hội của con người đã tạo ra các nhu cầu vượt ngoài những nhu cầu cơ bản mà chỉ cần thiết ở phần con. Vì vậy có lẻ việc trả lời câu hỏi “như thế nào là đủ?”, nên được được trọng tâm vào câu hỏi “nhu cầu gắn kết, nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu thể hiện bản thân quan trọng tới mức độ nào?”. Đây sẽ là chủ đề chính được trao đổi trong bài tiếp theo.

Bài 2: Vì sao con người luôn muốn có nhiều hơn?

1. Dấu vết của sự tiến hoá:

Về bản chất, con người không khác những loài động vật còn lại là mấy và tất cả hoạt động theo nguyên lý: Tìm sướng, tránh khổ. Đây là nguyên lý cốt lõi nhất giúp tất cả các giống loài tồn tại, phát triển, duy trì nồi giống và tiến hoá lâu dài. Nói đúng hơn thì chính tiến hoá đã giữ lại đặc điểm trên của mọi loài tồn tại được tới ngày nay, loài nào đi ngược lại nguyên lý đó đã bị diệt vong từ lâu.

Các thói quen có bàn luận trong bài 1 phần lớn đều tạo ra sự thoải mái, niềm vui, sự hưng phấn ở những giai đoạn đầu thực hiện. Chính cơ chế tiến hoá từ xa xưa này đã kéo chúng ta vào một vòng xoáy khó thoát ra được vì giới hạn của những hành động này hoặc tác động tiêu cực thật sự khó nhận ra. Ví dụ hành động ăn một món ngon cũng mang lại niềm vui và sự thích thú, nhưng ít nhất giới hạn bao tử là điểm sau cùng buộc bạn phải dừng ăn. Nhưng nghiện hút thuốc, nghiện làm việc, nghiện kết giao bạn bè lại khó nhận ra giới hạn cũng như các tác động tiêu cực hơn rất nhiều.

Thế nên, cho tới khi nào hành động còn tạo ra yếu tố tích cực thì con người vẫn tiếp tục thực hiện và ngày một nhiều hơn.

2. Sự phát triển công nghệ:

Cũng cần nói thêm, việc con ngươi có động lực thực hiện những việc tạo ra khoái lạc sẽ không thể đi xa hơn nếu không có những bước tiến về công nghệ hỗ trợ một việc nào đó được làm nhiều hơn nhưng lại tốn ít nguồn lực hơn. Mạng xã hội ngày nay là một dạng công nghệ hỗ trợ việc con người có thể tiếp xúc nhiều hơn với những quảng cáo thúc đẩy hành vi mua sắm, tiếp xúc với nhiều người xa lạ hơn để tăng tính kết giao bạn bè, tiếp xúc nhiều hơn với thông tin dù không rõ nguồn gốc, tiếp xúc nhiều hơn với thông điệp thành công kiếm tiền và cuộc sống xa hoa.

Có thể ở những thời điểm ban đầu, công nghệ mới được tạo ra với một mục đích tốt, nhưng những mặc tối đằng sau đã không được chú ý tới trong quá trình lan truyền công nghệ này ra cho số đông. Có thể công nghệ đã mang lại một nguồn lợi nhuận lớn cho người chủ, đủ hấp dẫn để việc nói ra những sự thật sẽ tạo ra tác động ngược, hoặc người tiêu dùng đã không đủ hiểu biết để nhìn nhận ra điều này bởi sự khoái lạc nó mang lại.

Nói chung, sự phát triển của công nghệ đã làm cho con người đạt được khoái lạc ngày một nhiều và dễ dàng hơn, điều này hàm ý việc dừng lại để nhận ra đâu là đủ ngày một khó khăng hơn.

3. Sự phát triển xã hội:

Xu hướng tư bản hoá thông qua việc tôn trọng quyền sở hữu cá nhân, vận hành nền kinh tế trên nền tảng cạnh tranh vì lợi nhuận đã tạo ra 2 xu hướng: (1) Con người cảm thấy an toàn hơn khi tích lũy nhiều tài sản hơn, (2) doanh nghiệp cảm thấy an toàn hơn khi tạo ra nhiều lợi nhuận hơn. Đây là một vòng xoáy chưa thấy điểm dừng.

Vẫn trên nền tảng tìm đến khoái lạc, việc tích lũy nhiều của cải hơn sẽ tạo ra cho chúng ta cảm giác an toàn hơn trước tương lai bất định, và việc này được các chính phủ hiện đại tôn trọng thay vì bị tước bỏ ở các nhà nước độc tài, hoặc phong kiến. Thậm chí việc tích luỹ của cải nhiều còn mang lại cảm giác quyền lực khi có nguồn lực, của cải và tài sản nhiều hơn ngươi khác. Chính nền tảng này thúc đẩy còn người liên tục phải tạo ra những thứ có giá trị cho xã hội thông qua hoạt động kinh doanh mua bán để thu về lợi nhuận. Bán những thứ cần thiết cho người khác chưa tạo ra đủ lợi nhuận thì phải bán cả những sản phẩm vượt quá nhu cầu cơ bản thông qua các hình thức quảng cáo giới thiệu, hình thức mà dân marketing hay gọi với cái tên mỹ miều “khai phá nhu cầu tiềm ẩn của khách hàng”.

Ngày trước ăn no là đủ, giờ phải ăn nhiều, phải ăn ngon, món ăn trình bày phải đẹp, quán ăn phải sang trọng, phục vụ phải tận tình. Rõ ràng ngày trước chỉ cần làm đủ để đạt được nhu cầu ăn no, hoặc thêm nữa là ăn ngon, thì bây giờ người ta phải làm nhiều hơn để có đủ nguồn lực chu cấp cho nhu cầu ăn ở nơi sang trọng, phục vụ xinh đẹp tận tâm với một chi phí cao hơn rất nhiều so với gia trị thực của món ăn.

Và chính những người chủ với các thông điệp quảng cáo của mình đã định hình nên nhận thức của xã hội hiện đại rằng: Nếu bạn bước lên những dịch vụ cao cấp hơn thì cuộc sống của bạn sẽ hạnh phúc hơn. Thông điệp này xuất hiện ở khắp mọi nơi, người chủ kinh doanh có nguồn lực về tài chính và họ có thể làm điều đó dễ dàng. Và chính mỗi con người trong xã hội đó sẽ phải làm việc cật lực để đảm bảo bản thân và gia đình không bị bỏ lại phía sau với các chuẩn mực được xem là “nhu cầu cơ bản của con người”.

Vòng xoay này lại lặp lại ở chỗ, doanh nghiệp muốn tăng lợi nhuận, bán nhiều sản phẩm hơn thì buộc nhân viên phải làm nhiều hơn với lương cao hơn. Điều này lại trùng hợp là chính ngươi nhân viên cũng đang bị cuốn theo nhu cầu ngày một tăng dần và việc có thêm nhiều việc hơn để gia tăng thu nhập để đáp ứng nhu cầu đó là một sự kết hợp hoàn hảo. Guồng quay cứ thế tiếp diễn qua nhiều thế hệ và ngày một trầm trọng hơn dưới cái tên “sự văn minh - tiến bộ”.

***

TỐM LẠI, vượt ra khỏi sự kiểm soát chính bản thân của một con người, các cấu trúc tiềm ẩn như sự tiến hoá, phát triển công nghệ, phát triển xã hội đã từng ngày đẩy nhu cầu, sự mong muốn của con người lên càng nhiều mà mỗi chúng ta hầu như không nhận ra vì đây là những xu hướng diễn biến rất chậm và lâu dài, nhưng hệ quả trái chiều cũng không thế nhận ra trong 1 đời người hay 1 thế hệ, nên nó đã được trao truyền liên tục mà không có quá nhiều người nhận ra cũng như đủ sức để dừng lại guồng quay này. Có lẻ tôn giáo, hoặc cụ thể hơn là đạo Phật là nhóm người đông nhất đang cố gắng làm công việc vĩ đại đó.

Sunday, September 11, 2022

Bài 1: Nhiều hơn có đồng nghĩa với tốt hơn?

Mình đoán câu trả lời của bạn sẽ là “KHÔNG”, thực tế này không khó để nhận ra khi tưởng tượng tới việc bạn thích ăn phở, nhưng việc liên tục ăn ngày này qua ngày nọ sẽ biến phở thành một cơn ác mộng, và có thể sau này bạn không còn muốn nhắc tới món ăn đó như một kỷ niệm đẹp nữa.

Biết một chân lý đơn giản như vậy không đồng nghĩa với việc bạn có thể áp dụng vào cuộc sống hằng ngày một cách hiệu quả để có được một đời hạnh phúc hơn. Hãy nhìn lại những thói quen trong cuộc sống của mình:

1) Thói quen tiêu dùng: Hôm nay bạn thấy quảng cáo một chiếc váy đẹp, thấy bạn bè sử dụng iPhone đời mới nhất, ngày hôm sau nhu cầu đó sẽ đeo đuổi bạn và kết quả là bạn đã có chiếc váy đẹp nhưng chưa biết phải dùng cho dịp nào và một chiếc iPhone chỉ dùng để nghe gọi và lướt web giống như 1 cái điện thoại khác cùng chức năng nhưng giá rẻ hơn nhiều lần.

2) Thói quen kiếm tiền: Bạn chạy theo thành công, danh vọng với mong muốn kiếm nhiều tiền hơn, tích luỹ nhiều hơn vượt những nhu cầu cơ bản để rồi nhìn lại những điều ý nghĩa trong cuộc sống như bạn bè, người thân, tình yêu thương, niềm đam mê đã không còn ở đó nữa.

3) Thói quen kết giao: Bạn luôn muốn mở rộng mối quan hệ, quen biết thật nhiều người nhưng sau cùng ngộ ra nó chỉ là bề nỗi, các mối quan hệ vẫn dựa trên lợi ích và đã tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc để phải duy trì những mối quan hệ này thay vì phải dành cho những mối quan hệ nhiều ý nghĩa hơn.

4) Thói quen tiêu thụ thông tin: Hằng ngày bạn dành phần lớn thời gian để lướt web, đọc tin tức trên mạng xã hội và phần lớn thông tin này không có ý nghĩa nhiều với đời sống hiện tại của bạn, thậm chí mang tới những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực như tức giận, đau buồn, sợ hãi. Thói quen này đã vô tình chiếm trọn thời gian cần thiết để bạn hiểu biết nhiều hơn về thế giới thực xung quanh như môi trường sống, người thân, bạn bè.

5) Thói quen gây nghiện: Bạn hút thuốc, uống rượu bia và bị cuốn vào vòng lẫn quẫn, thậm chí nhiều lúc bạn hút không phải vì bạn cảm thấy điếu thuốc có ý nghĩa hoặc cảm thấy ngon thật sự mà chỉ làm theo thói quen lâu năm để rồi phải đánh đổi bằng sức khỏe của bản thân về dài hạn.

6) Thói quen suy nghĩ: Có những vấn đề hầu như không có tác động trực tiếp nào tới cuộc sống của bạn nữa như việc cảm thấy có lỗi, hối tiếc về một lỗi lầm trong quá khứ, cảm thấy ganh tỵ với thành quả của người khác, cảm thấy đau khổ vì những điều đã đánh mất, cảm thấy quá phần khích khi nghĩ về những dự định trong tương lai, cảm thấy sợ hãi nếu phải đánh mất một điều gì đó. Thói quen suy nghĩ liên tục một cách ám ảnh về những việc này làm bạn không có khả năng cảm nhận được hiện tại hoặc tập trung suy nghĩ những kế hoạch cần thiết hơn cho tương lai.

Có lẻ trong cuộc đời bạn đều gặp phải ít nhất một trong 6 vấn đề nói trên, cá nhân tôi đã trải qua cả 6, nhưng may mắn không phải cùng một lúc! Bạn biết một sự thật đó là nếu để những thói quen này vượt một giới hạn nào đó sẽ làm cho cuộc sống của bạn mất câng bằng, nhưng bạn không biết cách nào để dừng lại. Vậy bản chất dẫn đến những thói quen nói trên là gì? Hiểu được điều này sẽ giúp bạn “giảm tải” dần những điều không cần thiết và cho bạn một không gian rộng mở hơn để tập trung vào những điều quan trọng nhất trong cuộc đời của mình. Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết tiếp theo để cùng khám phá ra sự thật và tìm đến những phương pháp giúp bạn thiết kế một cuộc đời hạnh phúc và đáng sống hơn nhé!

Bài 6: Sự sống và sự chết

Một sự thật rõ ràng nhất trong cuộc đời này mà ai cũng nhìn thấy được đó là: Sự sống và sự chết. Tôi dùng cụm từ “sự chết” để nhấn mạnh tầm ...