Monday, September 12, 2022

Bài 2: Vì sao con người luôn muốn có nhiều hơn?

1. Dấu vết của sự tiến hoá:

Về bản chất, con người không khác những loài động vật còn lại là mấy và tất cả hoạt động theo nguyên lý: Tìm sướng, tránh khổ. Đây là nguyên lý cốt lõi nhất giúp tất cả các giống loài tồn tại, phát triển, duy trì nồi giống và tiến hoá lâu dài. Nói đúng hơn thì chính tiến hoá đã giữ lại đặc điểm trên của mọi loài tồn tại được tới ngày nay, loài nào đi ngược lại nguyên lý đó đã bị diệt vong từ lâu.

Các thói quen có bàn luận trong bài 1 phần lớn đều tạo ra sự thoải mái, niềm vui, sự hưng phấn ở những giai đoạn đầu thực hiện. Chính cơ chế tiến hoá từ xa xưa này đã kéo chúng ta vào một vòng xoáy khó thoát ra được vì giới hạn của những hành động này hoặc tác động tiêu cực thật sự khó nhận ra. Ví dụ hành động ăn một món ngon cũng mang lại niềm vui và sự thích thú, nhưng ít nhất giới hạn bao tử là điểm sau cùng buộc bạn phải dừng ăn. Nhưng nghiện hút thuốc, nghiện làm việc, nghiện kết giao bạn bè lại khó nhận ra giới hạn cũng như các tác động tiêu cực hơn rất nhiều.

Thế nên, cho tới khi nào hành động còn tạo ra yếu tố tích cực thì con người vẫn tiếp tục thực hiện và ngày một nhiều hơn.

2. Sự phát triển công nghệ:

Cũng cần nói thêm, việc con ngươi có động lực thực hiện những việc tạo ra khoái lạc sẽ không thể đi xa hơn nếu không có những bước tiến về công nghệ hỗ trợ một việc nào đó được làm nhiều hơn nhưng lại tốn ít nguồn lực hơn. Mạng xã hội ngày nay là một dạng công nghệ hỗ trợ việc con người có thể tiếp xúc nhiều hơn với những quảng cáo thúc đẩy hành vi mua sắm, tiếp xúc với nhiều người xa lạ hơn để tăng tính kết giao bạn bè, tiếp xúc nhiều hơn với thông tin dù không rõ nguồn gốc, tiếp xúc nhiều hơn với thông điệp thành công kiếm tiền và cuộc sống xa hoa.

Có thể ở những thời điểm ban đầu, công nghệ mới được tạo ra với một mục đích tốt, nhưng những mặc tối đằng sau đã không được chú ý tới trong quá trình lan truyền công nghệ này ra cho số đông. Có thể công nghệ đã mang lại một nguồn lợi nhuận lớn cho người chủ, đủ hấp dẫn để việc nói ra những sự thật sẽ tạo ra tác động ngược, hoặc người tiêu dùng đã không đủ hiểu biết để nhìn nhận ra điều này bởi sự khoái lạc nó mang lại.

Nói chung, sự phát triển của công nghệ đã làm cho con người đạt được khoái lạc ngày một nhiều và dễ dàng hơn, điều này hàm ý việc dừng lại để nhận ra đâu là đủ ngày một khó khăng hơn.

3. Sự phát triển xã hội:

Xu hướng tư bản hoá thông qua việc tôn trọng quyền sở hữu cá nhân, vận hành nền kinh tế trên nền tảng cạnh tranh vì lợi nhuận đã tạo ra 2 xu hướng: (1) Con người cảm thấy an toàn hơn khi tích lũy nhiều tài sản hơn, (2) doanh nghiệp cảm thấy an toàn hơn khi tạo ra nhiều lợi nhuận hơn. Đây là một vòng xoáy chưa thấy điểm dừng.

Vẫn trên nền tảng tìm đến khoái lạc, việc tích lũy nhiều của cải hơn sẽ tạo ra cho chúng ta cảm giác an toàn hơn trước tương lai bất định, và việc này được các chính phủ hiện đại tôn trọng thay vì bị tước bỏ ở các nhà nước độc tài, hoặc phong kiến. Thậm chí việc tích luỹ của cải nhiều còn mang lại cảm giác quyền lực khi có nguồn lực, của cải và tài sản nhiều hơn ngươi khác. Chính nền tảng này thúc đẩy còn người liên tục phải tạo ra những thứ có giá trị cho xã hội thông qua hoạt động kinh doanh mua bán để thu về lợi nhuận. Bán những thứ cần thiết cho người khác chưa tạo ra đủ lợi nhuận thì phải bán cả những sản phẩm vượt quá nhu cầu cơ bản thông qua các hình thức quảng cáo giới thiệu, hình thức mà dân marketing hay gọi với cái tên mỹ miều “khai phá nhu cầu tiềm ẩn của khách hàng”.

Ngày trước ăn no là đủ, giờ phải ăn nhiều, phải ăn ngon, món ăn trình bày phải đẹp, quán ăn phải sang trọng, phục vụ phải tận tình. Rõ ràng ngày trước chỉ cần làm đủ để đạt được nhu cầu ăn no, hoặc thêm nữa là ăn ngon, thì bây giờ người ta phải làm nhiều hơn để có đủ nguồn lực chu cấp cho nhu cầu ăn ở nơi sang trọng, phục vụ xinh đẹp tận tâm với một chi phí cao hơn rất nhiều so với gia trị thực của món ăn.

Và chính những người chủ với các thông điệp quảng cáo của mình đã định hình nên nhận thức của xã hội hiện đại rằng: Nếu bạn bước lên những dịch vụ cao cấp hơn thì cuộc sống của bạn sẽ hạnh phúc hơn. Thông điệp này xuất hiện ở khắp mọi nơi, người chủ kinh doanh có nguồn lực về tài chính và họ có thể làm điều đó dễ dàng. Và chính mỗi con người trong xã hội đó sẽ phải làm việc cật lực để đảm bảo bản thân và gia đình không bị bỏ lại phía sau với các chuẩn mực được xem là “nhu cầu cơ bản của con người”.

Vòng xoay này lại lặp lại ở chỗ, doanh nghiệp muốn tăng lợi nhuận, bán nhiều sản phẩm hơn thì buộc nhân viên phải làm nhiều hơn với lương cao hơn. Điều này lại trùng hợp là chính ngươi nhân viên cũng đang bị cuốn theo nhu cầu ngày một tăng dần và việc có thêm nhiều việc hơn để gia tăng thu nhập để đáp ứng nhu cầu đó là một sự kết hợp hoàn hảo. Guồng quay cứ thế tiếp diễn qua nhiều thế hệ và ngày một trầm trọng hơn dưới cái tên “sự văn minh - tiến bộ”.

***

TỐM LẠI, vượt ra khỏi sự kiểm soát chính bản thân của một con người, các cấu trúc tiềm ẩn như sự tiến hoá, phát triển công nghệ, phát triển xã hội đã từng ngày đẩy nhu cầu, sự mong muốn của con người lên càng nhiều mà mỗi chúng ta hầu như không nhận ra vì đây là những xu hướng diễn biến rất chậm và lâu dài, nhưng hệ quả trái chiều cũng không thế nhận ra trong 1 đời người hay 1 thế hệ, nên nó đã được trao truyền liên tục mà không có quá nhiều người nhận ra cũng như đủ sức để dừng lại guồng quay này. Có lẻ tôn giáo, hoặc cụ thể hơn là đạo Phật là nhóm người đông nhất đang cố gắng làm công việc vĩ đại đó.

No comments:

Post a Comment

Bài 6: Sự sống và sự chết

Một sự thật rõ ràng nhất trong cuộc đời này mà ai cũng nhìn thấy được đó là: Sự sống và sự chết. Tôi dùng cụm từ “sự chết” để nhấn mạnh tầm ...