Sunday, September 11, 2022

Bài 1: Nhiều hơn có đồng nghĩa với tốt hơn?

Mình đoán câu trả lời của bạn sẽ là “KHÔNG”, thực tế này không khó để nhận ra khi tưởng tượng tới việc bạn thích ăn phở, nhưng việc liên tục ăn ngày này qua ngày nọ sẽ biến phở thành một cơn ác mộng, và có thể sau này bạn không còn muốn nhắc tới món ăn đó như một kỷ niệm đẹp nữa.

Biết một chân lý đơn giản như vậy không đồng nghĩa với việc bạn có thể áp dụng vào cuộc sống hằng ngày một cách hiệu quả để có được một đời hạnh phúc hơn. Hãy nhìn lại những thói quen trong cuộc sống của mình:

1) Thói quen tiêu dùng: Hôm nay bạn thấy quảng cáo một chiếc váy đẹp, thấy bạn bè sử dụng iPhone đời mới nhất, ngày hôm sau nhu cầu đó sẽ đeo đuổi bạn và kết quả là bạn đã có chiếc váy đẹp nhưng chưa biết phải dùng cho dịp nào và một chiếc iPhone chỉ dùng để nghe gọi và lướt web giống như 1 cái điện thoại khác cùng chức năng nhưng giá rẻ hơn nhiều lần.

2) Thói quen kiếm tiền: Bạn chạy theo thành công, danh vọng với mong muốn kiếm nhiều tiền hơn, tích luỹ nhiều hơn vượt những nhu cầu cơ bản để rồi nhìn lại những điều ý nghĩa trong cuộc sống như bạn bè, người thân, tình yêu thương, niềm đam mê đã không còn ở đó nữa.

3) Thói quen kết giao: Bạn luôn muốn mở rộng mối quan hệ, quen biết thật nhiều người nhưng sau cùng ngộ ra nó chỉ là bề nỗi, các mối quan hệ vẫn dựa trên lợi ích và đã tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc để phải duy trì những mối quan hệ này thay vì phải dành cho những mối quan hệ nhiều ý nghĩa hơn.

4) Thói quen tiêu thụ thông tin: Hằng ngày bạn dành phần lớn thời gian để lướt web, đọc tin tức trên mạng xã hội và phần lớn thông tin này không có ý nghĩa nhiều với đời sống hiện tại của bạn, thậm chí mang tới những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực như tức giận, đau buồn, sợ hãi. Thói quen này đã vô tình chiếm trọn thời gian cần thiết để bạn hiểu biết nhiều hơn về thế giới thực xung quanh như môi trường sống, người thân, bạn bè.

5) Thói quen gây nghiện: Bạn hút thuốc, uống rượu bia và bị cuốn vào vòng lẫn quẫn, thậm chí nhiều lúc bạn hút không phải vì bạn cảm thấy điếu thuốc có ý nghĩa hoặc cảm thấy ngon thật sự mà chỉ làm theo thói quen lâu năm để rồi phải đánh đổi bằng sức khỏe của bản thân về dài hạn.

6) Thói quen suy nghĩ: Có những vấn đề hầu như không có tác động trực tiếp nào tới cuộc sống của bạn nữa như việc cảm thấy có lỗi, hối tiếc về một lỗi lầm trong quá khứ, cảm thấy ganh tỵ với thành quả của người khác, cảm thấy đau khổ vì những điều đã đánh mất, cảm thấy quá phần khích khi nghĩ về những dự định trong tương lai, cảm thấy sợ hãi nếu phải đánh mất một điều gì đó. Thói quen suy nghĩ liên tục một cách ám ảnh về những việc này làm bạn không có khả năng cảm nhận được hiện tại hoặc tập trung suy nghĩ những kế hoạch cần thiết hơn cho tương lai.

Có lẻ trong cuộc đời bạn đều gặp phải ít nhất một trong 6 vấn đề nói trên, cá nhân tôi đã trải qua cả 6, nhưng may mắn không phải cùng một lúc! Bạn biết một sự thật đó là nếu để những thói quen này vượt một giới hạn nào đó sẽ làm cho cuộc sống của bạn mất câng bằng, nhưng bạn không biết cách nào để dừng lại. Vậy bản chất dẫn đến những thói quen nói trên là gì? Hiểu được điều này sẽ giúp bạn “giảm tải” dần những điều không cần thiết và cho bạn một không gian rộng mở hơn để tập trung vào những điều quan trọng nhất trong cuộc đời của mình. Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết tiếp theo để cùng khám phá ra sự thật và tìm đến những phương pháp giúp bạn thiết kế một cuộc đời hạnh phúc và đáng sống hơn nhé!

No comments:

Post a Comment

Bài 6: Sự sống và sự chết

Một sự thật rõ ràng nhất trong cuộc đời này mà ai cũng nhìn thấy được đó là: Sự sống và sự chết. Tôi dùng cụm từ “sự chết” để nhấn mạnh tầm ...