Monday, September 12, 2022

Bài 4: Chúng ta được gì và mất gì từ xã hội?

Tiếp nối từ góc nhìn của tháp nhu cầu Maslow, rõ ràng các nhu cầu cao cấp hơn như “thể hiện bản thân”, “được tôn trọng”, “kết nối quan hệ” là những yếu tố chính sản sinh ra những nhu cầu vượt ngoài các nhu cầu cơ bản của một con người như ăn uống, ngủ nghỉ và an toàn. Chính những nhu cầu cao cấp này đã tạo ra một con người văn minh, nhưng chính nó cũng khiến chúng ta bị cuốn vào guồng quay của nền văn minh và đánh mất dần những giá trị cốt lõi, những điều ý nghĩa nhất trong cuộc sống, hoặc thậm chí là làm tổn hại lại bản thân và nói rộng hơn là cả môi trường thiên nhiên xung quanh. Ở phần này chúng ta sẽ cùng đánh giá tầm quan trọng của những nhu cầu cao cấp này và xem giới hạn của nó nên ở đâu là phù hợp để chúng ta có thể thiết kế nên một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Để ý là 3 nhu cầu cao cấp nói trên đều bắt nguồn từ việc tạo ra lợi thế cho một cá nhân trong cuộc sống (lợi thế này có thể là một thực tế khách quan hoặc ít nhất chỉ do cá nhân đó nghĩ như vậy, cá nhân này có thể nghĩ đúng hoặc sai tuỳ vào hiểu biết của mỗi người). Việc bạn có xu hướng làm những điều mà bạn cho là tốt với bản thân dường như là một lý lẻ không thể chối cải. Bạn kết nối nhiều bạn bè sẽ tạo sự vui thú khi gặp gỡ, sẽ tạo ra những mối quan hệ bạn có thể nhờ vã, trao đổi về sau này, bạn được sự tôn trọng từ người khác thì tiếng nói của bạn có tác động lớn hơn, bạn sẽ nhận về lợi ích lớn hơn khi người khác nghe theo những gì bạn nói, bạn sẽ được nhiều người biết tới hơn và có khả năng bạn sẽ tác động số đông dễ dàng hơn nếu sự thể hiện về hình ảnh bản thân của bạn ra xung quanh lan toả mạnh mẽ. 

Nói rộng ra, xã hội loài người cũng sẽ trật tự hơn nếu mỗi chúng ta đi theo những nhu cầu này. Một xã hội cần có sự gắn kết giữa các thành viên chặc chẽ để khi có biến cố lớn như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh thì mọi người đều có lý do để hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Một xã hội, một tổ chức có những người được tôn trọng, thì chính những người này sẽ đưa ra quyết định cho nhóm một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn (nhưng chưa chắc tối ưu hơn) thay vì tất cả các thành viên đều được đưa ra quan điểm riêng rồi lại phải tốn rất nhiều thời gian để tranh luận và thậm chí dẫn đến chia rẻ vì xung đột (việc bầu cử cũng chỉ là việc hỏi ý kiến số đông về những quan điểm, lựa chọn đã được đưa ra trước đó bởi một nhóm nhỏ người có tác động lớn trong xã hội).

Lợi ích tạo ra các hành vi cần thiết cho một cá nhân hay cả một xã hội là không thể chối cãi. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, để thoả mãn những nhu cầu cao cấp này chúng ta phải: Luôn luôn để ý tới mong muốn, ý kiến, kỳ vọng của người khác và cố gắng làm hài lòng họ để đổi lại những thứ chúng ta cần như sự đón nhận, sự tôn trọng hay sự công nhận. Những chính trị gia, nghệ sỹ hay người nỗi tiếng nói chung đều phải đáp ứng điều này nếu họ muốn được công chúng đón nhận. Để ý là điều này hoàn toàn khác với việc bạn “quan tâm, lo lắng cho người khác”, việc bạn có tình thương, lòng trắc ẩn, sự đồng cảm đến từ sự tự chủ của bản thân. Nhưng những nhu cầu ở trên lại phụ thuộc vào việc người khác muốn bạn như thế nào, hoặc xã hội kỳ vọng bạn nên như thế nào để phù hợp với các chuẩn mực chung hơn là xuất phát từ bên trong bạn.

Vậy hạnh phúc sẽ đến khi bạn thực sự được sống với các thiên hướng của bản thân mình, những điều làm bạn thấy thoải mái hay khi bạn sống theo mong muốn và kỳ vọng của người khác? Liệu việc một người được hoàn toàn tự do làm những gì anh ta mong muốn có làm anh ta hạnh phúc nhất? Có lẽ kết luận rằng ngay tại thời điểm anh ta được tự do đưa ra quyết định và thực hiện hành động sẽ là thiên hướng làm anh ta cảm thấy thoải mái nhất (nếu không anh ta sẽ không làm). Nhưng câu hỏi quan trọng hơn đó là: Về lâu dài quyết định hay hành động mang tên “tự do” đó có tạo ra kết quả tốt khiến người đó hạnh phúc lâu dài không?

Hút thuốc ở thời điểm ban đầu là hoạt động để kết nối những người bạn có cùng thói quen này lại với nhau, việc hút thuốc sẽ thoải mãn nhu cầu kết nối, thậm chí cả nhu cầu thể hiện bản thân vì anh ta cho rằng việc hút thuốc sẽ tạo một hình ảnh trưởng thành, trải đời và thu hút hơn đối với người khác. Tuy nhiên về lầu dài khi thói quen đã ăn sâu vào hành vi thì sức khoẻ phải đánh đổi cho sự thoải mái tức thời là điều tất yếu. Kiếm tiền cũng là một động lực dẫn tới những hoạt động giúp tạo ra nguồn lực để thoải mãn khá nhiều nhu cầu cơ bản trong tháp Maslow. Kiếm được tiền rõ ràng mang lại một cảm giác thoã mãn, tuy nhiên việc thực hiện quá mức sẽ tạo ra những hệ luỵ về sức khoẻ, các mối quan hệ và sự câng bằng trong cuộc sống về lâu dài. Ở một góc nhìn khác, những ngươi trẻ muốn được thoải mái chơi game cùng bạn bè rõ ràng cũng mang lại niềm vui thú, nhưng về lầu dài chính việc chơi game quá nhiều lại chiếm phần lớn thời gian cần thiết để họ có thể tích luỹ đủ kỹ năng cần thiết cho tương lai.

Những ví dụ trên là minh chứng để thấy rằng: Việc hoàn toàn đi theo thiên hướng mong muốn của bản thân cũng không hẳng tạo ra hạnh phúc về lâu dài cho một người. Rõ ràng một cuộc sống hạnh phúc đúng nghĩa nên là sự kết hợp giữa những giai đoạn sống cho bản thân để đạt được hạnh phúc ở hiện tại cao nhất nhưng không phải đánh đổi quá lớn bởi hạnh phúc lâu dài, và những giai đoạn sống cho xã hội để tích luỹ nguồn lực từ người khác nhằm xây dựng nền tảng cho hạnh phúc lầu dài nhưng không phải đánh đổi quá lớn niềm vui trong hiện tại. Làm thế nào để cân đối hạnh phúc trong hiện tại và hạnh phúc dài hạn? Trong bài tiếp theo chúng ta sẽ trao đổi về vấn đề này nhé.

No comments:

Post a Comment

Bài 6: Sự sống và sự chết

Một sự thật rõ ràng nhất trong cuộc đời này mà ai cũng nhìn thấy được đó là: Sự sống và sự chết. Tôi dùng cụm từ “sự chết” để nhấn mạnh tầm ...